NGUỒN GỐC SÔNG ĐA ĐỘ Ở HẢI PHÒNG

Lúc đầu chi nhánh tên Câu

Về sau Câu Thượng dài lâu miết tìm

Con sông “nhiều bến” im lìm

Mang tên Đa Độ nổi chìm phong rêu

Người đời còn gọi Cửu Biều

Giống hình chín quả bầu yêu lòng thòng

Ai về vùng đất Hải Phòng

Đò Chờ bến Đợi phải lòng sông thương?

.

       Ở Hải Phòng khi nói đến sông Đa Độ, thì khá nhiều người đều biết, nhưng thực tế nó chỉ là con sông cấp huyện mà thôi. Giống như sông Dương (Dương Xuyên), Bạch Đà (kênh Trắng), Vĩnh Trinh (kênh Vĩnh), Kênh Giếc ở huyện Vĩnh Bảo, hay An Đà (kênh làng An Dương) ở huyện An Dương, nay là nội đô Hải Phòng … Vào thời chiến tranh chống Mỹ, tôi có nhiều ngày tháng được ăn nước, được trầm mình trong dòng nước trong xanh của sông Đa Độ này mỗi khi chiều về. Rồi ngay cả những người suốt bao đời gắn bó với dòng sông nơi đây cũng không hiểu vì sao nó lại có tên như vậy.

       Từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông trở về trước, thì miền đất An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn ngày nay đều thuộc huyện An Lão cổ. Hay từ năm 1969 đến năm 1980, thì miền đất gồm 2 huyện và 3 quận trên mang tên huyện An Thụy.

       Trong quá trình nghiên cứu về việc đặt tên cho sông, chúng tôi thấy từ thời Đồng Khánh (1886 - 1888) trở về trước, ông cha ta đều lấy địa danh phía thượng lưu làm tên cho sông và phân ra nhiều sông cho dễ quản lý và giao trọng trách cho từng địa phương. Vào thời cách mạng (sau 1945), chúng ta cũng học tập cách đặt tên sông của cha ông để phân ra những con phố khác nhau như Hoàng Văn Thụ, Cầu Đất, Lạch Tray, Ngô Gia Tự, nhưng thực chất đây chỉ là một tuyến đường.

.

.

       Ví như sông Tranh (từ cuối thế kỷ XIX là sông Hóa), vì có làng Tranh Xuyên, tổng Bất Bế (nay là thị xã Ninh Giang và làng Tranh Xuyên, cùng làng Tranh Chử Vĩnh Bảo) ở thượng nguồn. Hay con sông làm ranh giới cho huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng (từ cuối thế kỷ XIX là hạ lưu sông Thái Bình) là sông Kim vì có làng Kim Ngân, tổng An Bồ (gần ngã 3 Tam Kỳ). Hay con sông từ ngã 3 sông Tam Bạc với sông Kiền Bái (khu vực phà Bính ngày nay) hắt xuống phía biển là sông Cấm với độ dài dăm cây số, vì có giáp Cấm ở làng Da Viên (nay thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) nằm ở thượng lưu sông…

       Con sông nối từ làng Cù Thượng (岣上), nay thuộc xã Quang Hưng, huyện An Lão, Hải Phòng. Vì từ Cù (岣) có nghĩa là cù lao, tức phần đất được nổi lên bởi dòng sông, hay cửa sông, hay cửa biển, mà tên Nôm của từ Cù (岣) là Câu. Còn từ thượng (上) đã được Nôm hóa, có nghĩa là phía trên. Nên hai từ trên được gọi theo tên Nôm là Câu Thượng. Thời gian thấm thoắt trôi, mảnh đất nơi đây màu mỡ, nhiều cư dân từ nơi khác đổ về và từ một ấp Câu thành nhiều ấp khác là Câu Thượng, Câu Trung và Câu Hạ…

       Cũng chính vậy, mà thượng nguồn nhánh sông được nối từ sông Hổ Mang (nay là Văn Úc) chạy dọc dài quanh co qua huyện An Lão cổ, lúc đầu mang tên Câu Đà (岣 沱) tức kênh Câu hay nhánh sông Câu, về sau kênh được mở mang và người ta gọi tên sông bằng 2 từ, nên mới có tên là sông Câu Thượng.

       Từ thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX đến 1945), thì việc đặt tên sông ngược với thời phong kiến, tức lấy địa danh phía hạ lưu sông làm tên. Và trong trường hợp này, người ta lại lấy tên sông là Đa Độ (多渡), đây là hai từ Hán đã được Nôm hóa, nghĩa là “nhiều bến đò”. Với chiều dài hơn 40 cây số nối từ phía Tây của huyện An Lão xuống phía Đông Nam của huyện Nghi Dương (sau là Kiến Thụy), chắc chắn có nhiều bến đò. Ngoài ra dòng sông này còn có tên khác nữa là Cửu Biều (九匏), tức nó vòng quanh co qua hai huyện An Lão và Nghi Dương tạo ra hình như “chín quả bầu” lớn nhỏ. Như vậy kênh Câu, hay sông Câu Thượng, Cửu Biều, Đa Độ đều là một mà thôi.

NGỌC TÔ

 

 

 

 

 

Các tin liên quan

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved